Máy hút bụi và nhà bếp của bạn
written by TrungLun0112
at Thursday, October 04, 2012
Một phần ba cuộc đời của người nội trợ là ở trong gian bếp. Vậy mà gian bếp lại bị coi là một trong những không gian "ô nhiễm" nhất trong ngôi nhà của bạn. Với những người sử dụng những nguyên liệu rắn (củi, rơm rạ, than đá, phân động vật...) nếu tiếp xúc lâu ngày với khói bếp có thể gặp các vấn đề về đường hô hấp, ung thư phổi, mù mắt.
Trên thế giới, ô nhiễm do khói bếp là vấn đề thứ tư gây hại cho sức khoẻ của con người, chỉ xếp sau suy dinh dưỡng, khói thuốc lá, ô nhiễm nước. Với những căn bếp hiện đại, nguy cơ của những vấn đề nguy hiểm xảy đến cho sức khoẻ của khói bếp đã được giảm thiểu. Tuy nhiên, bếp gas vẫn là một "sát thủ" với vai trò là nguồn phát sinh chính khí ôxít nitơ (N02) trong căn bếp hiện đại. NO2 liên quan đến những bệnh đường hô hấp và làm tăng sự mẫn cảm với bệnh nhiễm trùng. Khi lượng NO2 vượt quá 30mg/m3 thì 20% số trẻ em trong nhà có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
Nồng độ này lại rất dễ "đạt được" nếu căn bếp nhà bạn chật hẹp và không thông thoáng. Ngoài ra, nếu dùng bếp ga thì lượng khí ôxít cacbon (CO) cũng thường cao hơn nồng độ cho phép. CO làm giảm khả năng vận chuyển oxy trong máu nên sẽ gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt hoặc buồn nôn. Nó cũng tước đoạt khả năng trao đổi oxy của hồng cầu nên có khả năng gây ra choáng do thiếu khí, thậm chí có thể gây tử vong. Đó là chưa kể đến những chất gây ô nhiễm phát sinh trong quá trình xào nấu thức ăn các loại hơi bốc lên có thể làm tổn thương tinh thể mắt và các hạt chất dầu mỡ tích tụ có khả năng gây nên các chứng bệnh về đường hô hấp, và thậm chí là ung thư.
Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí trong gian bếp, việc đầu tiên phải làm là luôn giữ cho không gian này sạch sẽ và thông thoáng. Cố gắng thiết kế một cửa sổ ở khu vực nấu ăn để gian bếp thoáng đãng hơn. Hãy thận trọng khi đun nấu bằng bếp gas. Vệ sinh bếp sau mỗi lần nấu ăn những đừng dùng các hoá chất tẩy rửa mà dùng nguyên liệu tự nhiên như nước nóng, chanh hay dấm, vừa khử mùi vừa không gây những nguy cơ ô nhiễm khác. Bạn cũng có thể sử dụng một số loại cây xanh có tác dụng khử khói, khử độc tố trong gian bếp. Nhưng cách tốt nhất là lựa chọn một chiếc máy hút mùi thích hợp.
Hầu hết các loại máy hút khói khử mùi đều hoạt động dựa trên nguyên tắc của quạt thông gió kết hợp với các màng lọc. Máy thường bao gồm các bộ phận cơ bản như lớp vỏ bên ngoài, hệ thống dẫn hơi, lưới lọc, quạt hút, đèn chiếc sáng, đèn báo hiệu và nút điều chỉnh các tốc độ hút. Các loại khí độc hại và mùi khó chịu sẽ được hút lên bằng quạt và chuyển ra ngoài, còn bụi bẩn và các hạt dầu mỡ sẽ bám lại lớp màng lọc - có thể dễ dàng tháo ra để vệ sinh và thay mới. Dạng máy hút khói khử mùi cổ điển thường là những chiếc máy có kích thước và kiểu dáng nhỏ gọn, có hoặc không có màng lọc, được đặt ngay dưới tủ bếp, cách bếp nấu khoảng 70cm. Loại máy này có thể có từ 1 - 2 quạt hút với 2 - 3 tốc độ hút.
Loại máy dạng âm cũng có công suất nhỏ nhưng mỏng hơn và hiện đại hơn để có thể đặt chìm trong tủ bếp, chỉ có phần hút kéo di động là nhô ra ngoài. Loại máy không ống hút có ưu điểm gọn, đẹp, và nhưng hiệu quả chỉ đạt 70 - 80%. Dạng máy công suất lớn hơn có dạng ống khói thường sử dụng trong những gian bếp có không gian rộng lớn và các thiết bị hiện đại. Máy hút mùi công suất lớn còn có khả năng hút nhiệt. Do kích thước khá lớn nên chúng thường được lắp đặt rời với tủ bếp và được đặt xa hơn so với mặt bếp (khoảng 90cm). Đôi khi với kiểu dáng và tính năng vượt trội, những chiếc máy dạng này còn được dùng làm vật trang trí cho cả gian bếp.
Giá máy hút khói khử mùi trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 2 - 10 triệu đồng, tuỳ loại, không phải là một khoản đầu tư quá lớn so với những lợi ích mà chúng mang lại. Một số loại máy nhập khẩu từ các nước châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản thường có kiểu dáng đẹp và chức năng hiện đại hơn nhưng giá cả cũng đắt hơn. Ngoài các tính năng thông thường, các loại máy này còn có bộ phận cảm biến nhận độ bẩn của khói trong không khí để tăng tốc cho quạt hút; cảm biến nhận độ bẩn của lớp màng lọc để báo làm vệ sinh hay bộ phận tắt trễ để sau khi nấu máy vẫn còn tiếp tục hút làm cho không khí thật sạch...
Source: Internet