Nội thất BLÓG

NỘi thất 48h chuyên cung cấp cho bạn những thông tin về các vấn đề liên quan đến nội thất như ghế sofa, đèn, rèm ...

Công nghiệp xi măng: Đầu tư để... cho vào kho

Trong khi số liệu của Bộ Công thương cho thấy, lượng tồn kho của ngành xi măng trong 10 tháng đầu năm tăng 51,3% (xấp xỉ 4 triệu tấn), thì vẫn tiếp tục có hàng chục ngàn tỷ đồng được bỏ ra để làm tăng thêm lượng xi măng tồn kho.

Đặc biệt, năm 2013 sẽ có thêm 2 dự án mới, với tổng công suất trên 2,7 triệu tấn gia nhập thị trường.


Xuất khẩu clinker, xi măng là công việc mới và rất khó khăn đối với doanh nghiệp xi măng.

Do khó khăn của nền kinh tế nói chung, cầu giảm, dẫn đến vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng tiêu thụ khó, nên một loạt doanh nghiệp (DN) xi măng đã gánh chịu những khó khăn. Quản trị DN của một bộ phận nhà đầu tư xi măng còn hạn chế cũng là một nguyên nhân dẫn đến khó khăn của các DN. Chưa kể, các dự án mới đi vào sản xuất, nên lỗ kế hoạch là không tránh khỏi.

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành. Theo đó, đối với xi măng, sẽ hướng đến phân loại các DN xi măng để có các giải pháp phù hợp. Như có thể chuyển giao vốn, hoặc chuyển giao nguyên trạng DN xi măng cho các DN khác, chẳng hạn chuyển giao DN làm ăn thua lỗ cho các DN đang có lợi thế như Vicem.

Giải pháp nữa là, thoái vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bán vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm sản xuất xi măng. Hiện nay, các DN như Đồng Bành, Hạ Long đang tập trung đi theo hướng như vậy hoặc giao cho DN khác. Đồng thời, cần có lộ trình tăng vốn điều lệ, huy động thêm các nguồn vốn ngoài xã hội.

Để làm được như vậy, Bộ Xây dựng đề nghị các tổ chức tín dụng trong nước cho khoanh nợ, giãn nợ và cho DN vay vốn, đề nghị bổ sung quy định về chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là bổ sung quy định về chuyển nhượng vốn nhà nước theo giá thị trường trong trường hợp giá chuyển nhượng thấp hơn mệnh giá để cắt lỗ.

Còn theo thống kê của Bộ Xây dựng, tồn kho xi măng tính đến cuối tháng 10/2012 là 2,6 triệu tấn.

Ùn ùn đổ vốn... góp tồn kho

Thực tế, ngay từ đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã nhìn thấy nguy cơ thừa xi măng và có công văn gửi các địa phương ngừng cấp phép các dự án mới. Tuy nhiên, từ trước đó, những nhà đầu tư có chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất xi măng đã có trong tay giấy chứng nhận đầu tư.

Đầu tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần Xi măng Fico (Tây Ninh) đã tiến hành thăm dò địa chất tại khu vực rừng phòng hộ Dầu Tiếng, tiến tới xây dựng dây chuyền 2, công suất 1,5 triệu tấn/năm. Còn tại Ninh Bình, Tập đoàn Xi măng Lucky (100% vốn Đài Loan) đang hoàn thiện dây chuyền 1 công suất 1,8 triệu tấn, nhưng đã có trong tay giấy chứng nhận đầu tư dây chuyền 2 với công suất 1,8 triệu tấn.

Ngoài ra, năm 2013, theo Bộ Xây dựng, năm 2013, Xi măng Trung Sơn công suất 0,91 triệu tấn sẽ đi vào hoạt động trong quý I và nhiều khả năng có thêm cả Xi măng Quảng Phúc, công suất 1,8 triệu tấn đi vào hoạt động. Với suất đầu tư thông thường trong lĩnh vực này là khoảng 130 USD/tấn, thì các doanh nghiệp sẽ cùng nhau góp thêm khoảng 350 triệu USD vào để... tăng thêm lượng xi măng tồn kho!

Không những thế, theo thông tin mới nhất, nếu được khai thông trong đàm phán vay vốn, dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn tại Thanh Hóa (do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư) có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2008, sẽ hoàn thành trong quý IV/2014.

Với ngần ấy vốn đầu tư, cơ quan nào có thể kiểm soát được rằng, các chủ đầu tư đã vay bao nhiêu và với những biến động trên thị trường xây dựng, trượt giá sẽ khiến họ phải vay thêm bao nhiêu nữa? Cần phải nhắc lại rằng, năm 2011, Bộ Tài chính đã phải đứng ra trả nợ thay đối với các khoản vay Chính phủ bảo lãnh từ các tổ chức tín dụng quốc tế đối với 4 dự án xi măng gồm: Hoàng Mai, Tam Điệp, Đồng Bành và Thái Nguyên, do nợ đã đến kỳ mà doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Xuất khẩu xi măng: Không dễ!

Do nguồn cung trong nước đã quá lớn, các doanh nghiệp xi măng từ chỗ chỉ tập trung phát triển thị trường nội địa, đã phải hướng đến xuất khẩu. Xuất khẩu cũng là giải pháp được nhắc đến như một lối thoát cho các dự án xi măng.

Năm 2011 là năm đầu tiên ngành xi măng xuất khẩu được 6 triệu tấn xi măng, clinker, đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Hết 10 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt gần 6,9 triệu tấn.

Tuy nhiên, xuất khẩu clinker, xi măng là công việc mới mẻ và rất khó khăn đối với doanh nghiệp xi măng, do cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới rất gay gắt, các điều kiện logistics của Việt Nam còn yếu kém (phần lớn các nhà máy xi măng đều ở sâu trong nội địa, thiếu cảng nước sâu), nên chi phí vận chuyển đã làm giảm đi rất nhiều lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.

Hơn nữa, theo báo giá của các nhà xuất khẩu, giá xuất khẩu clinker, xi măng của Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ 36 USD/tấn clinker. Các tính toán cho thấy, hiện nay, suất đầu tư trung bình cho một tấn xi măng theo phương pháp khô (quy mô nhà máy cỡ 1,5 triệu tấn/năm, có công nghệ và thiết bị hiện đại), ở mức từ 125-135 USD/tấn. Nếu chia suất đầu tư theo các nguồn vốn vay để đầu tư thì chi phí đầu tư ở mức từ 25-28 USD/tấn. Còn chi phí sản xuất hiện ở mức từ 30-32 USD/tấn.

Như vậy, giá bán xi măng của Việt Nam phải từ 55-60 USD/tấn mới bảo đảm cho ngành xi măng phát triển bền vững. Trong khi đó, với giá xuất khẩu hiện nay của các doanh nghiệp xi măng, khẳng định của ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, “xuất khẩu clinker với ở mức giá này là chưa đủ bù chi” là hoàn toàn có lý.

Còn theo ông Ngô Đức Lưu, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vicem Bút Sơn (Ninh Bình), ngoài những doanh nghiệp thành viên của Vicem đang thực hiện xuất khẩu theo đầu mối từ Vicem, có sự thống nhất chung về giá, thì rất khó kêu gọi các đơn vị ngoài Vicem cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy mạnh tiêu thụ xi măng cả ở trong nước lẫn xuất khẩu. “Hầu hết đều chưa gạt bỏ hết lợi ích cục bộ ngắn hạn để cùng hướng đến lợi ích chung lâu dài”, ông Lưu giải thích về hiện tượng các doanh nghiệp trong ngành đua nhau hạ giá xuất khẩu để giành khách hàng.

Với thực tế trên, xuất khẩu xi măng chỉ là lối thoát kỳ vọng đối với nhiều dự án xi măng. Hết 3 quý đầu năm 2012, Xi măng Vicem Hoàng Mai có số tài sản nằm ở hàng tồn kho trị giá trên 394 tỷ đồng, bao gồm cả nguyên vật liệu, thành phẩm, chi phí kinh doanh dở dang.

Dù đã rất nỗ lực, nhưng lượng xuất khẩu của Vicem Hà Tiên thời gian vừa qua chẳng đáng để kể ra. “Ông lớn” của Tổng công ty Công nghiệp xi măng (Vicem) này cũng đang bị nghi ngờ về khả năng thanh toán nợ. Lợi nhuận sau thuế của HT1 liên tục sụt giảm từ mức 160 tỷ đồng năm 2009, xuống còn 60 tỷ đồng năm 2010 và đến năm 2011 lỗ gần 9 tỷ đồng, năm 2012 dự kiến lãi 9 tỷ đồng. Trong khi đó, tính đến thời điểm 31/6/2012, Vicem Hà Tiên là đơn vị có dư nợ lớn nhất trong số các công ty xi măng niêm yết với 11.105 tỷ đồng.

Không những thế, từ cuối năm 2011 đến nay, ngành xi măng đã chứng kiến một loạt dự án dừng sản xuất hoặc giảm công suất để tránh thua lỗ thêm. Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) phải dừng sản xuất vì không còn vốn hoạt động, nợ lương công nhân. Xi măng Đồng Bành dừng hoạt động từ tháng 3/2012. Xi măng Hoàng Thạch với 3 dây chuyền có thời điểm đã phải tạm dừng khai thác dây chuyền.

Cung tăng nhiều mà cầu chưa tăng”

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam

Việc một số nhà máy xi măng mới tiếp tục đi vào hoạt động càng làm cho thị trường cạnh tranh gay gắt, tồn kho có chiều hướng tăng lên, bởi cung tăng nhiều mà cầu chưa tăng mấy. Chưa kể, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh (chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, mặt hàng than đã tăng giá tới 170%, điện tăng 19%, dầu 40%...), giá bán không tăng được đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận của các dự án xi măng.

Một số nhà máy sẵn sàng phá giá”

Ông Đào Ngọc Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch,

Chưa năm nào, tiêu thụ xi măng khó khăn như năm 2012. Lượng khách hàng đến Hoàng Thạch không giảm, nhưng nhiều khách hàng muốn mua chịu. Một số nhà máy xi măng không thuộc Vicem trên địa bàn Hải Dương do gặp khó khăn trong tiêu thụ, nên sẵn sàng bán phá giá (có lúc lên tới 500.000 đồng/tấn) cốt để thu hồi vốn, khiến chúng tôi không cạnh tranh nổi.

Cần khởi động lại các dự án công”

Ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (VVMI, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Vinacomin)

Việc có thêm các nhãn hiệu xi măng mới ra mắt thị trường tại thời điểm 2011-2012 chưa gây ảnh hưởng nhiều tới Vinacomin, vì năm 2012, chúng tôi vẫn cố gượng được bằng cách đẩy mạnh bán hàng. Tuy nhiên, năm 2013 thì chưa có dấu hiệu gì sáng sủa cả.

Điều mà tôi băn khoăn là, sau khi dốc hết vốn vào xây dựng nhà máy, đến khi hoàn thành, liệu các dự án xi măng đang được triển khai, chuẩn bị đưa vào hoạt động cuối năm 2012, đầu năm 2013 có thể vào rơi cảnh không còn vốn lưu động để sản xuất. Trong khi đó, việc huy động vốn từ các ngân hàng sẽ rất khó, bởi trong giai đoạn này, các ngân hàng đều nói không với xi măng.

Nếu Chính phủ không nhanh chóng có những chính sách để khởi động lại các dự án đầu tư công, nới lỏng tín dụng cho thị trường bất động sản, thì nhiều dự án xi măng sẽ chết thảm trong năm tới và Vinacomin cũng không là trường hợp ngoại lệ.

Đưa xi măng vào các công trình giao thông

Ông Nguyễn Hoàng Thông, nguyên chuyên viên chính Vụ Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Vào năm 2005, thời điểm làm Quy hoạch Phát triển ngành xi măng giai đoạn 2005-2010, định hướng đến năm 2020, tôi đã đề nghị đưa xi măng vào các công trình giao thông, nhưng gần đây, mới thấy các bên đề cập chuyện này. Cứ như vậy, chẳng biết bao giờ xi măng mới vào được các công trình giao thông.

(Theo Đầu tư)