Nội thất BLÓG

NỘi thất 48h chuyên cung cấp cho bạn những thông tin về các vấn đề liên quan đến nội thất như ghế sofa, đèn, rèm ...

Ngành vật liệu xây dựng “kêu cứu”

Trước những khó khăn chưa từng thấy của ngành VLXD thời gian qua, Hội VLXD đã có công văn số 61/HVLXDVN kiến nghị Thủ Tướng Chính phủ và các bộ ngành những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Hàng tồn kho tăng cao



Từ năm 2011 đến nay nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm đáng kể; cùng với đó, những khó khăn hiện hữu như giá cả nhiên liệu, điện, nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, chi phí tài chính lên đến 20 – 30%, vốn lưu động thiếu... đã làm cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phải giảm sản lượng hoặc dừng sản xuất, sản phẩm tồn kho khối lượng lớn, kinh doanh thua lỗ; nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản.

Cụ thể theo Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cộng với lượng tồn lũy kế từ năm 2011 đến nay, lượng clanhke, xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn (trên 3.000 tỷ đồng). Sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành (công suất thiết kế) lại tăng khoảng 10% so với năm 2011, do cao trào đầu tư xi măng đã khởi động từ những năm gần đây. Dự báo năm 2012 sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn công suất.

Còn ngành Gốm sứ xây dựng tồn kho đầu năm 2012 đã tăng lên, nếu tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và cả tồn kho từ các đại lý chưa bán hàng tới người tiêu dùng thì lượng tồn đã tăng lên tới 20% (Hiện tại hàng hóa tồn kho khoảng trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, việc tiêu thụ vật liệu xây không nung nhẹ còn rất hạn chế, chỉ tiêu thụ được 50 – 60% sản lượng. Một số doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm đã phải dừng sản xuất. Ngành sản xuất thủy tinh xây dựng, đá ốp lát cũng đang phải chịu chung số phận khi phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, hàng tồn kho lớn, tiêu thụ chậm.

Kiến nghị miễm giảm thuế

Trước tình hình đó, Hội Vật liệu xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ một số biện pháp tháo gỡ giúp các doanh nghiệp VLXD vượt qua khó khăn trước mắt, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2012.

Hội Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành và các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ và các giải pháp kích cầu, tạo đầu ra cho các sản phẩm VLXD. Chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng (tất cả các loại đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, quốc lộ, đường đô thị, sân bãi các khu công nghiệp) bằng bê tông xi măng.

"Như vậy vừa kích cầu tiêu thụ xi măng vừa giảm nhập siêu do giảm nhập khẩu nhựa đường làm bê tông atsphan, vừa bảo đảm công trình bền vững. Hàng chục năm nay nước ta đã nghiên cứu, thí điểm, bây giờ đến lúc triển khai xây dựng đại trà" - Hội lí giải.

Thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển, sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung sẽ giải quyết khó khăn về tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung đồng thời kích cầu tiêu thụ xi măng.

Kiến nghị Quốc hội cho áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng các sản phẩm vật liệu xây dựng là 5% trong năm 2012, thay cho thuế suất 10% hiện hành để kích thích người tiêu dùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ hết hàng tồn kho, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng.

Đồng thời, Hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại các khoản nợ (giãn nợ, khoanh lãi các khoản vay đầu tư trước đây) cho các doanh nghiệp để không lâm vào tình trạng nợ xấu, hạ lãi suất cho vay dưới 12% và nới rộng các quy định về điều kiện vay vốn lưu động để các doanh nghiệp vật liệu xây dựng khát vốn thực sự vay được vốn với lãi suất thấp để phục vụ sản xuất. Theo Hội Vật liệu xây dựng, đến nay các doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp.

Theo Thảo Nguyên
Tầm nhìn.net